VÌ SAO BÉ QUẤY KHÓC?

Khi vừa rời khỏi tử cung mẹ, bé sẽ cất tiếng khóc đầu đời để kích thích hệ thống tuần hoàn hô hấp hoạt động.

Sau đó tiếng khóc của bé là để giao tiếp với người thân của mình. Bé sẽ khóc khi đói, tã dơ, nóng quá, lạnh quá, khó ngủ, sợ hãi, lo lắng, đau khó chịu khi bệnh như nghẹt mũi, ho, đau bụng …

Bác Thy sẽ không nói về những tiếng khóc khi bé bị bệnh, cũng không nói về việc bé quấy khóc khi đói, tã dơ,… mà Bác sẽ nói về việc bé khóc quấy khi cảm thấy bất an, tiếng khóc mà hầu như các mẹ hay nói với Bác rằng: em bối rối vì chẳng biết bé bị gì.

  1. THỜI ĐIỂM BÉ HAY QUẤY?

Ngày xưa ông bà mình hay nói ráng qua mốc 3 tháng 10 ngày. Ngày nay khoa học cũng đã nghiên cứu và thấy rằng thời điểm bé hay quấy nhất là tầm 6 – 8 tuần (khi vừa qua tháng đầu) đến sau 3 – 4 tháng (1).

Điều này có nghĩa là: nhìn chung, trong tháng đầu các bé đang bú ngủ mỗi 2-3 tiếng 1 lần thì vừa ra tháng, bé bắt đầu ngủ không sâu giấc như trước, có bé mẹ đặt xuống là thức phải ẵm trên tay; cũng có bé ngủ tầm 15-20 phút là thức dậy.

Một số bé quấy khó ngủ ban ngày, có bé lại vào ban đêm.

Thời gian gợi ý ở trên chỉ là thời gian thường thấy, việc bé quấy khóc vẫn có thể xảy ra ngay từ ngày đầu sau sinh.

Thông thường nếu bé khóc do vào giai đoạn quấy trong ngày/tuần thì thời gian khóc của bé thường sẽ lặp lại hơi giống nhau giữa các ngày. Ví dụ: hôm nay bé có vẻ khó chịu, khó ăn, khó ở, khó ngủ tầm 1g sáng tới 6 giờ sáng thì ngày hôm sau, bé cũng như thế vào tầm 1-6 giờ sáng.

Một số bé quấy bất kỳ thời điểm nào trong ngày, những bé này không có các dấu hiệu bệnh và bé vẫn có những cữ bú ngủ tốt, bé khóc không kéo dài liên tục cả ngày.

Một số mẹ lo mình không đủ sữa cho con. Tuy nhiên, nếu là bú không đủ, các mẹ sẽ thấy các dấu hiệu bú không đủ như tã tè rất ít, nước tiểu sậm màu. Nếu bé vẫn tè ị bình thường, vẫn có 1 số khung giờ bú được ngủ được thì khả năng đấy là giờ quấy khó chịu của bé mà thôi.

Một số mẹ khác lại lo con mình bệnh hay có vấn đề sức khỏe. Nếu bệnh, bé sẽ quấy rất rất nhiều, cả ngày, và có thêm các triệu chứng khác như sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy, tiêu ra máu…

Lời khuyên cho các mẹ rằng: nếu thực sự thấy con quấy 1 cách bất thường trong 1 thời gian dài trong ngày, linh tính người mẹ mách bảo có gì thật sự không ổn thì mẹ nên dẫn con đi khám bác sĩ. Một số bệnh lý như lồng ruột, tắc ruột cũng khiến bé khóc rất nhiều mà triệu chứng lại khó phát hiện. Nếu bác sĩ không phát hiện bệnh gì, bé vẫn bình thường, lúc này mẹ có thể an tâm và cùng con vượt qua giai đoạn quấy này.

Tầm 3-4 tháng các bé sẽ ổn hơn hẳn về ăn và ngủ. Vậy các mẹ ráng đợi tới mốc 3-4 tháng nha!

  1. LÝ DO CÁC BÉ CÓ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIẤC NGỦ

Có nhiều lý do. Có thể do bé đang bắt đầu học hay phát triển 1 kỹ năng gì đó, hoặc bé trong tâm trạng lo lắng khi bị tách mẹ (vd: mẹ đi làm trở lại), bé mọc răng,… và đôi khi chúng ta không thể tìm ra lý do thật sự. Mỗi bé mỗi khác và sẽ có chu trình phát triển về giấc ngủ riêng cho bản thân mình. Mọi việc rồi sẽ tốt hơn.

  1. CÁCH TRẤN AN BÉ KHI KHÓC QUẤY

Để trấn an bé mẹ có thể ôm ấp, hát ru, địu bé đi tới đi lui, kể chuyện bé nghe, quấn bé ….  có những phương án thật sự có hiệu quả, nhưng cũng sẽ có những bé rất khó, không nín dù áp dụng bất kỳ cách thức nào, nhất là những bé khóc dạ đề.

Lúc này chúng ta sẽ áp dụng những cách làm giảm thôi, chứ không giúp né nín hẳn. Chúng ta chờ đợi giai đoạn này qua đi.

Nguồn: Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy.

Mẹ có bất kỳ thắc mắc về chăm bé, kích sữa,  tập bé bú mẹ hãy liên hệ với BMC để được hỗ trợ nhé.

Liên hệ đặt lịch:

Để lại bình luận