BẾ BÉ- DỖ DÀNH BÉ CÓ LÀM BÉ HƯ?
Thực tế là: cuộc sống thay đổi, văn hóa thay đổi nhưng nhu cầu cơ bản của bé không bao giờ thay đổi: nhu cầu sữa mẹ và nhu cầu cảm giác được an toàn, ấm áp trong vòng tay mẹ.
Hầu hết những con non của loài động vật có vú khi mới sinh ra, sẽ có kích thước não khoảng 60 – 90% kích thước não khi trưởng thành. Tuy nhiên con người của chúng ta khi mới sinh ra thì kích thước não chỉ vào khoảng 25% so với lúc trưởng thành. Một em bé mới sinh ra chưa thể tự điều khiển tay chân, đi lại, giọng nói, ăn uống, tiểu tiện, … Và con người mất 1 thời gian rất dài thể có thể trưởng thành. Vì vậy một đứa bé khi sinh ra cần được hỗ trợ về tất cả mọi mặt mới có thể sinh tồn được.
Mới đây đã có một nghiên cứu được tiến hành trên 94 trẻ tử 5 tuần tuổi đến 4 tuổi rưỡi. Nghiên cứu này sẽ kiểm tra về sự thay đổi ở cấp độ phân tử, nghĩa là các tác giả nghiên cứu trên bộ gen người. Họ muốn biết các bé được cung cấp sự ôm ấp và vỗ về nhiều thì có thay đổi thế nào về bộ gen so với những bé ít được ôm ấp. Kết quả là những bé được ôm ấp nhiều có sự thay đổi ở bộ gen, nhất là vị trí gen phụ trách xây dựng hệ miễn dịch và chuyển hóa ở trẻ [5]. Sẽ cần có các nghiên cứu sâu hơn nhưng nghiên cứu này khơi gợi cho việc các bé được cung cấp đầy đủ sự tiếp xúc, ôm ấp, cảm giác an toàn sẽ giúp cho bé có thể phát triển tối đa về mặt miễn dịch và chuyển hóa trong cơ thể.
BIẾT ĐỦ VÀ KHÔNG LẠM DỤNG ?
Tiếng khóc giúp báo hiệu em bé có nhu cầu gì đó.
- Đủ
Là khi bé cần, ba/mẹ có mặt, khi con ổn hơn, ba/mẹ sẽ thả con ra. Ví dụ con khóc vì tã dơ, mẹ có mặt và thay ngay cho con. Con khóc vì đói, mẹ cho con bú ngay. Con lo lắng sợ hãi, mẹ bế lên dỗ dành. Những giai đoạn con “quấy”, “tuần khủng hoảng”, “khóc dạ đề” … con sẽ cần ba/mẹ bên cạnh dỗ dành để giảm bớt căng thẳng lo lắng. Khi con an tâm, con sẽ có thời gian thích nghi với môi trường xung quanh nhanh hơn, giai đoạn ổn định của con vì thế sẽ đến nhanh hơn.
Còn nếu cố gắng áp dụng nhiều phương pháp tách con ra, con sẽ luôn trong tâm trạng lo lắng và mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường xung quanh nên giai đoạn ổn định sẽ lâu đến hơn. Hoặc nếu thành công, thì đó là con chấp nhận trong tâm trạng “bất lực”.
Trong nghiên cứu trên 25 trẻ sơ sinh, người ta lấy nước bọt của mẹ và bé để kiểm tra lượng hormon cortisol (hormon này tăng khi căng thẳng). Các bé này được áp dụng phương pháp luyện ngủ để cho bé khóc. Trong ngày đầu khi các bé khóc nhiều, nồng độ hormon này tăng cao ở cả mẹ và bé. Ngày thứ 3, bé bớt khóc, hormon cortisol của mẹ giảm đi (do nghe tiếng khóc ít lại, giảm căng thẳng) nhưng nồng độ hormon của bé không giảm [4]. Nghĩa là bé học cách im lặng dù vẫn có nhu cầu được bên cạnh mẹ, bé buồn và căng thẳng.
- Lạm dụng
Nghĩa là dù bé không cần mà mẹ vẫn cung cấp “dịch vụ”. Ví dụ: bé đã nín mà người lớn vì thích ẵm bồng bé suốt.
Việc lạm dụng ti mẹ là điều mà các mẹ hay mắc phải nhất. Ví dụ: chỉ cần con khóc là mẹ đút ti vào cho bú ngay, hoặc vì cứ muốn con ngủ nên cứ con mở mắt dậy là mẹ đưa ti cho ngậm tiếp để con ngủ, hoặc con đã ngủ rồi, bé chỉ nút nhẹ mà mẹ cứ để bé nút hoài không rút ti ra, dần dần bé sẽ quen với việc phải có ti mẹ mới ngủ được.
Bé bú mẹ và ngủ trên ti mẹ, đó là sinh lý hoàn toàn bình thường, không có gì là xấu cả. Bác Thy đã đọc đâu đó có câu rằng: nhu cầu cơ bản của trẻ sơ sinh là được ăn no, được cảm giác an toàn, ấm áp, được xoa dịu khi lo lắng đau đớn, ngực của người mẹ có thể làm tất cả điều đó. Vậy thì bộ ngực mẹ không chỉ có nhiệm vụ là cung cấp dinh dưỡng, nó còn giúp trấn an bé khi bé khó chịu, lo lắng sợ hãi, giúp bé giảm đau, bớt khó chịu khi bệnh hay đau đớn.
Vấn đề là các mẹ đừng lạm dụng và đưa ti mẹ bú bất kể lý do.
- Đây là những gợi ý để các mẹ hiểu cách cung cấp “đủ”
– Trong 1-2 tháng đầu tiên, các mẹ hãy cho bé bú khi bé có nhu cầu, bé sẽ đưa miệng qua lại 2 bên để kiếm ti hoặc đưa tay vào miệng. Mẹ hãy cho bé ti. Những động tác như chép chép miệng, le le lưỡi tí xíu không hẳn là đòi bú. Một số mẹ còn nghĩ rằng nếu bàn tay con nắm lại nghĩa là con chưa no và cứ đưa ti vào là không đúng.
– Trong lúc ti, nếu mẹ thấy bé nhắm mắt mà miệng vẫn bú và NUỐT tốt thường xuyên thì mẹ cứ việc cho bé tiếp tục ti. Nếu động tác NUỐT rất thưa thớt, hoặc bé rơi vào giấc ngủ quá dễ dàng, mẹ hãy đổi bên. Việc bé ngậm nút ti mẹ mẹ không có động tác NUỐT, chỉ nút nhanh nhanh, nhẹ nhẹ không hề giúp bé nhận thêm sữa cũng không giúp mẹ kích sữa, ngược lại sẽ khiến thời gian bú kéo dài lâu, mà đôi khi bé chưa no. Khi rút ti ra:
+ Nếu đủ, bé ngủ luôn
+ Nếu chưa đủ, bé có thể tỉnh lại và bú tiếp, và khi tỉnh để bú sẽ giúp bé bú tích cực hơn và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian cho cả mẹ và bé.
+ Nếu bé trong tình trạng quấy, trong giờ quấy hay giai đoạn quấy, việc mẹ cần làm là cứ cung cấp ti cho bé.
+ Nếu mẹ muốn bé không quá phụ thuộc vào ti mẹ, có thể cho bú tư thế nằm, rút ti ra khi bé ti không còn hiệu quả (không nuốt), sau đó nằm kế bên 5-15 phút, sau đó mẹ di chuyển xa dần. Nếu mẹ ngồi cho bú, động tác đặt bé từ trên tay xuống giường có thể khiến các bé giật mình khó ngủ lại, nhất là những bé “nhạy cảm. Có thể bé chưa quen việc tách hơi mẹ, lo sợ khi không có mẹ bên cạnh, và sẽ đòi ngậm ti lại. Mẹ cứ cho ngậm ti lại và tiếp tục lặp lại công việc trên nhiều lần, từ từ bé sẽ quen dần và có thể ngủ mà không phụ thuộc việc bế bồng cũng như không nhất thiết mẹ phải nằm kế bên suốt quá trình bé ngủ.
– Khi các bé lớn hơn, tầm 2 tháng trở đi, bé sẽ có nhu cầu thức nhiều hơn. Mẹ tránh việc cứ con mở mắt ra là đút ti vào cho bú và mong rằng con sẽ ngủ dài sau đó. Bé có thể lim dim trên ngực mẹ nhưng do không có nhu cầu ngủ nên sẽ thức ngay hoặc ngủ có chút xíu thôi. Đừng suy nghĩ rằng: phải dỗ con ngủ cho được để mình còn đi làm việc nhà.
– Khi các bé lớn hơn, tầm 2 tháng trở đi, đừng cứ mỗi lần con khóc là đưa ti mẹ vào ngay. Hãy bế con lên đi vài vòng dỗ con nín, sau đó đặt con xuống và lấy sách đọc con nghe, lấy đồ chơi chơi cùng con, trò chuyện cùng con. Khi nào thực sự không dỗ dành được rồi, mẹ hãy cho con ti.
– Khi các bé lớn hơn, tầm 2 tháng trở đi, mẹ lưu ý 1 tí về nhu cầu bú của con. Một số bé 3-4 tiếng mới có nhu cầu bú 1 lần, nên nếu bé mới vừa bú no cách đây 30 phút, giờ lại khóc ầm lên thì khả năng không phải đói, mà do khó chịu hay lo lắng và cần mẹ ôm bế lên vỗ về 1 chút.
Nguồn: Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy.
Mẹ có bất kỳ thắc mắc về chăm bé, kích sữa, tập bé bú mẹ hãy liên hệ với BMC để được hỗ trợ nhé.
Liên hệ đặt lịch: |
-
- Tại TPHCM: 0982 35 42 42 / 0764 623046
- Tại Hà Nội: 0943 95 66 87